Đang xử lý.....

KHOA SINH HỌC - NƠI KIẾN TẠO NHỮNG GIÁ TRỊ KHÁC BIỆT 

I. GIỚI THIỆU VỀ NGÀNH HỌC

Ngành Sư phạm Sinh học (tiếng Anh là Biology Education) của Trường Đại học Sư phạm-Đại học Thái Nguyên đào tạo cử nhân Sư phạm Sinh học có đủ phẩm chất, năng lực, sáng tạo, thích ứng tốt với môi trường hoạt động giáo dục và giảng dạy Sinh học ở các trường bậc phổ thông, các trường đại học, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề. Giáo viên sinh học được đào tạo từ Trường Đại học Sư phạm-Đại học Thái Nguyên có khả năng hướng dẫn nghiên cứu khoa học cho học sinh tại các trường phổ thông;  thực hiện tốt công tác nghiên cứu khoa học giáo dục và khoa học cơ bản tại các trường đại học, viện và các trung tâm nghiên cứu liên quan đến Sinh học và Công nghệ sinh học, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, đặc biệt là khu vực trung du miền núi phía Bắc.

II. GIỚI THIỆU VỀ CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO

Chương trình đào tạo (CTĐT) là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định chất lượng đào tạo, vì vậy, việc đổi mới và phát triển CTĐT là việc làm thường xuyên, có kế hoạch và theo từng giai đoạn. Khoa Sinh học đã mời các giảng viên giỏi, nhà khoa học có bề dày kinh nghiệm, các nhà quản lí, các cựu sinh viên có năng lực đang công tác ở trong và ngoài Trường tham giaphát triển CTĐT, xác định mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu ra, nội dung, khung chương trình đào tạo. CTĐT của ngành Sư phạm Sinh học được xây dựng theo các quy định hiện hành của Bộ Giáo dục&Đào tạo, có sự tham khảo CTĐT của các trường đại học có uy tín trong nước và trên thế giới. Vì vậy, ngày 14/10/2019, CTĐT của Khoa Sinh học đã đạt và được cấp chứng nhận kiểm định chất lượng CTĐT của Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục- Đại học Quốc gia Hà Nội.

III. GIỚI THIỆU ĐIỂM NỔI BẬT CỦA NGÀNH HỌC

Ngành Sư phạm Sinh học được nhiều bạn trẻ lựa chọn bởi cơ hội nghề nghiệp của ngành học này rất đa dạng, ngoài giảng dạy sinh học ở các cơ sở giáo dục đào tạo, sinh viên tốt nghiệp ngành này còn có thể đảm nhiệm nhiều công việc tại các cơ sở, viện nghiên cứu, trung tâm liên quan đến lĩnh vực Sinh học và Công nghệ sinh học.

Đội giảng viên cơ hữu của Trường tham gia quản lý, phát triển và trực tiếp giảng dạy chương trình Sư phạm Sinh học có bề dày kinh nghiệm và rất tâm huyết với nghề, gồm các Giáo sư, Phó giáo sư và Tiến sĩ. Trong 25 giảng viên, có 21 giảng viên có học vị Tiến sĩ, chức danh Giáo sư và Phó giáo sư (1 Giáo sư; 9 Phó giáo sư; 11 Tiến sĩ), chiếm 84% tổng số giảng viên của Khoa. Ngoài ra còn một số nghiên cứu sinh đang thực hiện luận án tiến sĩ tại Cộng hòa liên bang Đức, Trung Quốc và Đài Loan.

IV. VỊ TRÍ VIỆC LÀM

Sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm Sinh học, người học có thể đảm nhiệm nhiều vị trí việc làm, cụ thể như sau:

1) Giáo viên giảng dạy môn Sinh học ở Trường THPT, THCS, Trường Liên cấp, Trường Tư thục và Trường Quốc tế, Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm dạy nghề.

2) Cán bộ nghiên cứu tại các viện và trung tâm nghiên cứu, là chuyên viên tại các Sở ban ngành (Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài Nguyên&Môi trường, quân đội, công an,….), liên quan đến lĩnh vực Sinh học và Công nghệ sinh học

3) Cán bộ làm việc tại các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các liên quan đến Sinh học (sản xuất dược phẩm, thực phẩm, nông- lâm nghiệp…..).

4) Người học sau khi tốt nghiệp CTĐT cử nhân Sư phạm Sinh học có thể tiếp tục học lên thạc sĩ và tiến sĩ ở các ngành trong lĩnh vực Sinh học, Công nghệ sinh học và lý luận&Phương pháp dạy học bộ mônSinh học. Ngoài ra người học có thể học tiếp đại học văn bằng hai ở các ngành phù hợp như: Công nghệ sinh học, Vật lí, Hóa học, tiếng Anh.

V. GIỚI THIỆU GIẢNG VIÊN TIÊU BIỂU

1. NGND.GS.TS Chu Hoàng Mậu

 

https://orcid.org/0000-0002-8260-6369

NGND.GS.TS. Chu Hoàng Mậu là Cựu sinh viên Khóa 11 (1976-1980), Khoa Sinh –KTNN (nay là Khoa Sinh học) Trường Đại học Sư phạm-Đại học Thái Nguyên. Từ năm 1980 đến nay, NGND.GS.TS. Chu Hoàng Mậu là giảng viên Khoa Sinh học và hiện là Giảng viên cao cấp tại Bộ môn Di truyền học &Công nghệ sinh học của Khoa. NGND.GS.TS. Chu Hoàng Mậu tốt nghiệp Tiến sinh sinh học năm 2001 tại Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học&Công nghệ Việt Nam, được công nhận và bổ nhiệm chức danh Phó giáo sư năm 2005 và chức danh Giáo sư năm 2012. NGND.GS.TS. Chu Hoàng Mậu đã đảm nhiệm công tác quản lý như, Trưởng Bộ môn Di truyền & Phương pháp dạy học (1997-1999), Trưởng Khoa Sinh –KTNN (1999-2005), Trưởng Ban đào tạo Sau đại học, Đại học Thái Nguyên (2005-2007); Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên (2007-2010), Giám đốc Trung tâm GDQP (2008-2013), Trưởng Bộ môn Di truyền học&Sinh học hiện đại (2013-2018). Từ năm 2009 đến nay, NGND.GS.TS. Chu Hoàng Mậu là thành viên Hội đồng giáo sư ngành Sinh học. Trong quá trình công tác, NGND.GS.TS. Chu Hoàng Mậu đã đạt nhiều thành tích xuất sắc đóng góp trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ và được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2008 và Danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 2017.

 1. Hoạt động nghiên cứu khoa học

- Lĩnh vực nghiên cứu: Di truyền học và công nghệ sinh học hiện đại, với các hướng nghiên cứu cụ thể là: (1) Nghiên cứu ứng dụng Công nghệ sinh học trong cải thiện, nâng cao khả năng chống chịu của các giống cây trồng, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng ; (2) Nghiên cứu chức năng gene và giải mã hệ gene của một số loài thực vật ; (3) Ứng dụng công nghệ sinh học trong nghiên cứu, bảo tồn, khai thác các chất hoạt tính sinh học của các loài cây dược liệu quý ở Việt Nam.

- Kết quả nghiên cứu nổi bật: Từ năm 2013 đến nay, đã công bố hơn 100 bài báo khoa học, trong đó có, 23 bài trên tạp chí quốc tế ISI/Scopus; 10 bài báo trên các tạp chí quốc tế khác, 6 bài trên Hội nghị quốc tế. Có hơn 50 trình tự gen đăng kí trên GenBank. Đã xuất bản 03 cuốn sách chuyên khảo, 05 cuốn sách giáo trình, tài liệu tham khảo và 01 chương sách tại Nxb quốc tế uy tín Springer. Đã hoàn thành 11 Đề tài KH&CN các cấp, như đề tài Quỹ Nafosted, cấp Bộ, cấp Đại học Thái Nguyên và là thành viên nghiên cứu chính của một số đề tài KH&CN cấp Bộ khác. Tham gia biên soạn Bách khoa toàn thư, Quyển 4 “Sinh học và Công nghệ sinh học”.

2. Hoạt động đào tạo

- Tham gia đào tạo 37 khóa sinh viên, 29 khoa học viên cao học, chịu trác nhiệm giảng dạy học phần Sinh học phân tử cho hệ đại học; các học phần Cơ sở&Phương páp Sinh học phân tử, Sinh học hiện đại-Nguyên lý và ứng dụng, Phương pháp phân tích di truyền cho hệ đào tạo thạc sĩ; Chuyên đề Hệ gene và phân tích hệ gene cho hệ đào tạo tiến sĩ. Chủ trì và tham gia phát triển chương trình đào tạo hệ đại học, cao học và tiến sĩ, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đào tạo hiện nay. Chủ biên và đồng chủ biên biên soạn sách chuyên khảo, sách giáo trình phục vụ đào tạo. Đóng góp tích cực vào Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, môn Sinh học và các Bộ sách giáo khoa Sinh học ở trường THPT.

- Đã hướng dẫn 18 Nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, hơn 60 thạc sĩ và hiên đang hướng dẫn nghiên cứu sinh và học viên cao học ngành Di truyền học và Sinh học thực nghiệm.

3. Các giải thưởng về thành tích trong giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học

- Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trao tặng Huân chương Lao động Hạng Ba năm 2009 và Huân chương Lao động Hạng Nhì năm 2021.

- Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam phong Danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, năm 2008 và Danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, năm 2017.

 

2. PGS.TS Nguyễn Hữu Quân

https://orcid.org/0000-0002-9259-746X

PGS.TS. Nguyễn Hữu Quân là Cựu sinh viên xuất sắc Khóa 38 (2003-2007), Khoa Sinh –KTNN (nay là Khoa Sinh học) Trường Đại học Sư phạm-Đại học Thái Nguyên, hiện đang là Giảng viên cao cấp tại Bộ môn Di truyền học &Công nghệ sinh học của Khoa. PGS.TS. Nguyễn Hữu Quân tốt nghiệp Tiến sinh sinh học năm 2015, được công nhận và bổ nhiệm chức danh Phó giáo sư năm 2020. PGS.TS. Nguyễn Hữu Quân hiện đang là Giảng viên cao cấp kiêm Phó trưởng phòng Hành chính-Tổ chức, Trường Đại học Sư phạm-Đại học Thái Nguyên. Trong quá trình công tác, PGS.TS. Nguyễn Hữu Quân đã đạt nhiều thành tích xuất sắc trong giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học công nghệ.

1. Hoạt động nghiên cứu khoa học

- Lĩnh vực nghiên cứu: Hóa sinh học, Vi sinh vật và Công nghệ sinh học, với các hướng nghiên cứu cụ thể là (1) Tách chiết, tinh sạch, xác định tính chất và sản xuất các enzyme/protein tự nhiên từ các nguồn vi sinh vật và thực vật. (2) Biểu hiện gen liên quan đến tính chống chịu của thực vật; biểu hiện cao và cải biến các enzyme vi sinh vật. (3) Nghiên cứu ứng dụng mã vạch DNA trong định danh loài và bảo tồn một số loài cây dược liệu và cây trồng quan trọng, đánh giá hoạt tính kháng khuẩn, kháng nấm, chống oxi hóa và thử nghiệm hoạt tính gây độc tế bào ung thư do các hợp chất thứ cấp từ vi sinh vật, thực vật và các phức chất hóa học.

- Kết quả nghiên cứu nổi bật: Đã công bố 63 bài báo khoa học, trong đó có 18 bài trên tạp chí ISI/Scopus, 45 bài trên tạp chí trong nước, kỷ yếu quốc tế và quốc gia. Có 05 trình tự gen trên GenBank (trong đó có 2 hệ gen lục lạp đã được giải mã hoàn chỉnh). Đã xuất bản 02 giáo trình và 01 chương sách tại Nxb quốc tế uy tín Springe. Chủ trì 07 đề tài KH&CN, như đề tài Quỹ Nafosted, cấp Bộ, cấp Đại học Thái Nguyên, cấp Trường và tham gia làm thành viên nghiên cứu chính cho 8 đề tài KH&CN cấp Bộ khác.

2. Hoạt động đào tạo

- Tham gia đào tạo 12 khóa sinh viên, 6 khóa học viên cao học, chịu trách nhiệm giảng dạy học phần Vi sinh vật cho hệ đại học và học phần Vi sinh phân tử cho hệ đào tạo sau đại học. Tham gia phát triển và cập nhật chương trình đào tạo thạc sĩ sinh học đáp ứng yêu cầu mới trong các chuyên ngành thạc sĩ. Tham gia vào biên soạn sách phục vụ đào tạo.

- Đã hướng dẫn 07 thạc sĩ và đang hướng dẫn 01 Nghiên cứu sinh.

3. Các giải thưởng về thành tích trong giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học

i) Giải Nhất giải thưởng nghiên cứu Khoa học dành cho Giảng viên trẻ toàn quốc năm 2018 do Bộ Giáo dục & Đào tạo tổ chức.

ii) Được tặng Huy hiệu tuổi trẻ sáng tạo của Ban chấp hành Trung ương đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh năm 2018.

iii) Có 01 công trình được đăng trong Sách vàng sáng tạo Việt Nam năm 2019 do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức.

iv) Đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Bộ năm 2022, Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2018, Giấy khen của Giám đốc Đại học Thái Nguyên năm 2019.

 

3. PGS.TS Sỹ Danh Thường

https://orcid.org/0000-0002-8636-1370

PGS.TS. Sỹ Danh Thường là Cựu sinh viên Khóa 34 (niên khóa 1999-2003), Khoa Sinh –KTNN (nay là Khoa Sinh học) Trường Đại học Sư phạm-Đại học Thái Nguyên, hiện nay là Giảng viên cao cấp tại Bộ môn Sinh thái học và sinh học cơ thể của Khoa. PGS.TS. Sỹ Danh Thường tốt nghiệp Tiến sĩ sinh học chuyên ngành Thực vật học năm 2013, được công nhận và bổ nhiệm chức danh Phó giáo sư năm 2018. PGS.TS. Sỹ Danh Thường hiện đang là Giảng viên cao cấp kiêm Phó trưởng phòng Phòng Bảo đảm chất lượng giáo dục, Trường Đại học Sư phạm-Đại học Thái Nguyên. Trong quá trình công tác, PGS.TS. Sỹ Danh Thường đã đạt nhiều thành tích trong hoạt động giáo dục - đào tạo và nghiên cứu khoa học.

1. Hoạt động nghiên cứu khoa học

- Lĩnh vực nghiên cứu: Đa dạng sinh học và bảo tồn, hình thái giải phẫu thực vật, với các hướng nghiên cứu cụ thể là (1) Nghiên cứu và công bố các loài thực vật mới và bổ sung cho hệ thực vật Việt Nam. (2) Nghiên cứu đa dạng hệ thực vật và bảo tồn các loài thực vật quý và có giá trị sử dụng. (3) Nghiên cứu hình thái giải phẫu của các loài thực vật, hình thái giải phẫu thích nghi với môi trường sống.

- Kết quả nghiên cứu nổi bật: Đã công bố 57 bài báo khoa học, trong đó có 16 bài trên tạp chí ISI/Scopus, 41 bài trên tạp chí trong nước, kỷ yếu quốc tế và quốc gia. Đã xuất bản 01 giáo trình và 04 sách tham khảo phục vụ đào tạo. Chủ trì 05 đề tài KH&CN (trong đó có 02 đề tài Quỹ Nafosted, 01 đề tài cấp Bộ, 02 đề tài cấp Trường) và tham gia làm thành viên nghiên cứu chính cho 06 đề tài KH&CN cấp Bộ khác.

2. Hoạt động đào tạo

- Tham gia đào tạo 16 khóa sinh viên, 10 khóa học viên cao học, chịu trác nhiệm giảng dạy học phần Thực vật học, Thực tập nghiên cứu thiên nhiên cho hệ đại học; học phần Thực vật có hoa, Quần xã học thực vật, Các phương pháp nghiên cứu thực vật cho hệ đào tạo sau đại học. Tham gia phát triển và cập nhật chương trình đào tạo đại học và thạc sĩ sinh học đáp ứng yêu cầu mới. Tham gia biên soạn sách phục vụ đào tạo.

- Đã hướng dẫn 09 thạc sĩ bảo vệ thành công và được cấp bằng thạc sĩ. Hiện nay đang hướng dẫn 01 học viên làm luận văn thạc sĩ.

3. Các giải thưởng về thành tích trong giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học

i) Bằng khen của Thủ tướng chính phủ năm 2021.

ii) Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo năm học 2013-2014, 2 năm học liên tục từ năm học 2016-2017 đến 2017-2018.

iii) Giấy khen của Giám đốc Đại học Thái Nguyên năm 2012; Giấy khen của Hiệu trưởng năm 2017 và 2018.

 

 

KHOA SINH HỌC

loading....