Đang xử lý.....

Giới thiệu về khoa 

KHOA SINH HỌC, TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM-ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN
Địa chỉ:  Số 20- Đường Lương Ngọc Quyến, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.
Điện thoại: (+84) 02083 856891;    E-mail: bio@tnue.edu.vn

 

 
QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

 

Khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc (nay là Trường Đại học Sư phạm thuộc Đại học Thái Nguyên), được thành lập năm 1966 cùng với 6 khoa cơ bản khác là: Toán học, Vật lý, Hoá học, Ngữ văn, Lịch sử và Địa lý. Địa điểm đầu tiên của Khoa đặt tại xã Vinh Quang, huyện Đại Từ, tỉnh Bắc Thái (nay là xã Phú Lạc, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên). Từ năm 1970 cùng với toàn trường, Khoa chuyển địa điểm về Thành phố Thái Nguyên. Ngay từ khi mới thành lập, cán bộ, giảng viên của Khoa đã bắt đầu triển khai công tác tuyển sinh và giảng dạy khóa I, đồng thời còn phải xây dựng và ổn định nơi ăn chốn ở của cán bộ và sinh viên trong điều kiện chiến tranh chống Mỹ hết sức ác liệt. Mặc dù vậy, tập thể cán bộ, giảng viên và sinh viên của Khoa đã kết hợp giảng dạy, học tập với lao động sản xuất; chủ động giải quyết các nhu cầu thiết yếu về ăn, ở, học tập và nghiên cứu khoa hoc; quyết tâm vượt mọi khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao phó. Những năm đầu quy mô của Khoa còn nhỏ, trung bình mỗi năm có 40 sinh viên nhập học. Số cán bộ giảng viên và nhân viên chỉ có trên 20 người. Phần lớn giảng viên thế hệ đầu tiên của Khoa là từ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội chuyển đến. Cùng với sự phát triển của Nhà trường, lực lượng giảng viên của Khoa được tăng cường từ nhiều nguồn khác nhau: Giảng viên được đào tạo từ nước ngoài về, giảng viên từ các trường đại học trên cả nước chuyển đến, sinh viên xuất sắc của các trường đại học khác và của Khoa được tiếp nhận.
Hiện nay, ngành Sư phạm Sinh học của Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên có 2 chương trình đào tạo: Sư phạm Sinh học; Sư phạm Khoa học tự nhiên. Theo quyết định số 1506/QĐ-ĐHSP ngày 21/6/2012 của Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm về việc ban hành danh mục ngành đào tạo, chương trình Sư phạm Sinh học là một chương trình đào tạo của ngành Sư phạm Sinh học do Khoa Sinh học trực tiếp quản lý. Đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên cơ hữu của Trường trực tiếp tham gia xây dựng chương trình, quản lý và giảng dạy chương trình Sư phạm Sinh học gồm 26 giảng viên, kỹ thuật viên và nhân viên văn phòng, gồm: 22 giảng viên, 4 viên chức gồm giáo viên trung học, kỹ thuật viên và cán bộ văn phòng. Trong số các giảng viên của khoa có 1 Giáo sư; 8 Phó giáo sư; 9 tiến sĩ, 3 nghiên cứu sinh đang học tập tại Cộng hòa liên bang Đức, Trung Quốc, Đài Loan; 1 thạc sĩ. Số giảng viên có học vị tiến sĩ, chức danh giáo sư và phó giáo sư là 18 người trong tổng số 26 giảng viên, chiếm 69,23%.

2. Sứ mạng, mục tiêu, tầm nhìn, giá trị cốt lõi và triết lý giáo dục của Khoa Sinh học

Sứ mạng
Khoa Sinh học trường Đại học Sư phạm – ĐH Thái Nguyên là nơi đào tạo giáo viên Sinh học và đào tạo sau đại học trình độ thạc sĩ, tiến sĩ; bồi dưỡng chuẩn hoá và bồi dưỡng thường xuyên giáo viên Sinh học các cấp; thực hiện và hướng dẫn nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Sinh học và Giáo dục sinh học.
Mục tiêu
Đào tạo và bồi dưỡng giáo viên Sinh học trình độ đại học, sau đại học; đào tạo sau đại học trình độ thạc sĩ, tiến sĩ; thực hiện và hướng dẫn nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Sinh học và giáo dục Sinh học. Người học sau khi tốt nghiệp có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; có kiến thức cơ bản, chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng; có khả năng tự học, tự nghiên cứu, sáng tạo và giải quyết những yêu cầu của lý luận, thực tiễn giáo dục đặt ra; có năng lực ngoại ngữ, tin học đủ đáp ứng yêu cầu công việc và hội nhập quốc tế.
Tầm nhìn
Đến năm 2030, Khoa Sinh học là nơi đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Sinh học và Giáo dục sinh học có chất lượng tốt, vươn tới hội nhập các nước ở khu vực Đông Nam Á và tiếp cận quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu thuộc lĩnh vực Sinh học.
Giá trị cốt lõi
Đoàn kết; Sáng tạo; Thích ứng; Hội nhập; Phát triển
Unity; Creation; Adaptation; Integration; Development
Ý nghĩa của giá trị cốt lõi
– Đoàn kết thể hiện sự thống nhất, đồng lòng của tập thể cán bộ, giảng viên và sinh viên khoa Sinh học trong suốt quá trình xây dựng và phát triển của khoa Sinh học.
– Sáng tạo là hướng tới phát huy tối đa khả năng của người học trong học tập, nghiên cứu để tìm ra tri thức mới, phương pháp giải quyết khoa học để đạt được hiệu quả cao nhất.
– Thích ứng là hướng tới việc đào tạo ra những thế hệ sinh viên, học viên có khả năng đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.
– Hội nhập là hướng tới tham gia cộng đồng học thuật mang tính quốc tế qua các bài báo công bố trên các tạp chí quốc tế; tham gia các hội thảo, hội nghị quốc tế, chương trình đào tạo có tham khảo và sử dụng tài liệu tiếng Anh, có sinh viên quốc tế tham gia vào chương trình đào tạo các bậc của Khoa, hướng sinh viên tốt nghiệp của Khoa vào thị trường ở một số nước thuộc khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á.
– Phát triển là để có thể đáp ứng được nhu cầu của các bên liên quan không những ở thời điểm hiện tại mà còn trong tương lai, gắn với nghề nghiệp và đáp ứng nhu cầu xã hội.
Triết lý giáo dục
Kiến tạo – Chất lượng – Hội nhập
Construction – Quality – Integration
Ý nghĩa của triết lý giáo dục
– Kiến tạo là chủ động kiến thiết, tạo dựng các giá trị trong môi trường giảng dạy, nghiên cứu và học tập tích cực; vận dụng lý thuyết kiến tạo vào quá trình dạy học, hoạt động giáo dục và nghiên cứu khoa học để tạo ra những giá trị mới.
– Chất lượng là đáp ứng nhu cầu của các bên liên quan về chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học của Khoa, của Nhà trường.
– Hội nhập là khả năng học tập và làm việc theo xu thế của lực lượng lao động hiện nay và được đánh giá theo tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế. Hội nhập cũng được thể hiện thông qua các công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín; tham gia các hội thảo, hội nghị quốc tế, chương trình đào tạo có tham khảo và sử dụng tài liệu tiếng Anh, có sinh viên quốc tế tham gia vào chương trình đào tạo các bậc của Khoa.
3. Chức năng và nhiệm vụ
3.1. Chức năng
– Đào tạo Đại học
– Bồi dưỡng chuẩn hoá và bồi dưỡng thường xuyên
– Đào tạo Sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ)
– Nghiên cứu khoa học
3.2. Nhiệm vụ
– Đào tạo giáo viên THPT ngành Sinh học.
– Đào tạo
giáo viên THCS giảng dạy môn Khoa học tự nhiên.
– Bồi dưỡng các chuyên đề lấy chứng chỉ sau đại học cho giáo viên các trường trung hoc phổ thông, trường chuyên nghiệp và các cơ quan, sở, ban ngành.
– Bồi dưỡng dạy học theo hướng tiếp cận năng lực, dạy học tích hợp các môn khoa học tự nhiên cho giáo viên THPT đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản giáo dục phổ thông.
– Bồi dưỡng chuẩn hoá và bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên các trường THCS, THPT.
– Đào tạo Sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ) các chuyên ngành Sinh học thực nghiệm, Di truyền học, Lý luận&Phương pháp dạy học sinh học, Sinh thái học
– Nghiên cứu khoa học.
4. Ðội ngũ cán bộ, giảng viên thực hiện chương trình đào tạo
Khoa Sinh học có 26 giảng viên, số giảng viên có học vị tiến sĩ, chức danh giáo sư và phó giáo sư là 18 người, chiếm 69,23% tổng số giảng viên.
– Có 1 giảng viên chức danh Giáo sư;
– Có 8 giảng viên có chức danh Phó giáo sư;
– Có 9 giảng viên có học vị tiến sĩ;
– Có 3 giảng viên học NCS tại Cộng hòa liên bang Đức, Trung quốc, Đài Loan;
– Có 1 giảng viên có trình độ thạc sĩ ;
– Có 1 cử nhân là giáo viên Trung học;
– Có 2 cử nhân là kỹ thuật viên;
– Và 1 cán bộ văn phòng.
5. Thông tin về ngành nghề, lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu
5.1. Chuyên ngành đào tạo, trình độ
5.1.1. Trình độ Đại học
– Đào tạo giáo viên Sinh học cho các trường THPT (hệ chính quy tập trung 4 năm).
– Đào tạo giáo viên Khoa học tự nhiên.
– Bồi dưỡng chuẩn hoá và thường xuyên giáo viên THPT.
5.1.2. Trình độ Thạc sĩ
– Đào tạo Thạc sĩ với 4 chuyên ngành:
+ Di truyền học
+ Sinh thái học
+ Sinh học thực nghiệm
+ Lý luận & Phương pháp dạy học bộ môn Sinh học.
5.1.3. Trình độ Tiến sĩ
– Đào tạo Tiến sĩ với 3 chuyên ngành:
+ Di truyền học
+ Sinh thái học
+ Lý luận & Phương pháp dạy học bộ môn Sinh học.
5.2. Số lượng sinh viên chính quy hiện đang đào tạo tại khoa: 110 sinh viên.
5.3. Lĩnh vực nghiên cứu chính:
– Về khoa học giáo dục:
+ Nghiên cứu đổi mới phương pháp dạy học Sinh học và phương pháp kiểm tra đánh giá.
+ Nghiên cứu dạy học tích hợp các môn khoa học tự nhiên
– Về khoa học cơ bản và ứng dụng:
+ Nghiên cứu các lĩnh vực Sinh học phân tử và công nghệ gen
+ Sinh học tế bào và công nghệ tế bào
+ Ứng dụng CNSH trong nghiên cứu cây dược liệu
+ Đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.