Đang xử lý.....

HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ CHUYÊN ĐỀ “BIOLOGY RESEARCH AND TEACHING IN THE CONTEXT OF INTERNATIONAL INTEGRATION” 

Ngày 29 tháng 11 năm 2021, tại Trường Đại học Sư phạm-Đại học Thái Nguyên, Khoa Sinh học tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế chuyên đề “Biology research and teaching in the context of international integration”, đây là hoạt động trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 55 năm thành lập Khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm–Đại học Thái Nguyên (1966-2021).

Hội thảo khoa học quốc tế chuyên đề nhằm mục đích tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế và chuyển giao tiến bộ kĩ thuật, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên trong bối cảnh đổi mới toàn diện giáo dục Việt Nam và hội nhập quốc tế. Hội thảo cũng là môi trường và tạo cơ hội trao đổi học thuật với các nhà khoa học quốc tế, trau dồi năng lực tiếng Anh của cán bộ, giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên Khoa Sinh học. Dự Hội thảo có TS. Từ Quang Tân (Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm), đại biểu Phòng Khoa học, Công nghệ & Hợp tác quốc tế và các nhà khoa học đến từ Viện nghiên cứu Agharkar (India), Khoa Khoa học sự sống, Đại học National Central (Taiwan), cán bộ, giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên Khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm-Đại học Thái Nguyên.

Khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Ngọc Lan, Trưởng khoa Sinh học phát biểu chào mừng các vị đại biểu, các Nhà khoa học tham dự hội thảo và giới thiệu về Khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm-Đại học Thái Nguyên.

Trong 55 năm xây dựng và phát triển, Khoa Sinh học đã đào tạo hàng ngàn Giáo viên Sinh học, Sinh –KTNN cho các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc và cả nước; đào tạo hàng trăm thạc sĩ thuộc 4 chuyên ngành, đó là Di truyền học, Sinh học thực nghiệm, Sinh thái học, Lí luận&PPDH sinh học; đào tạo được gần 30 tiến sĩ thuộc các ngành Di truyền học, Sinh thái học và Lí luận&PPDH sinh học. Các giảng viên của Khoa đã xuất bản nhiều sách chuyên khảo, giáo trình và tài liệu tham khảo; hằng năm công bố từ 35-50 bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế và trong nước, đặc biệt trong 5 năm gần đây, mỗi năm có khoảng 10 bài báo được xuất bản trên các tạp chí quốc tế uy tín thuộc danh mục ISI/Scopus. Hiên nay đội ngũ giảng viên trong khoa có 1 giáo sư, 7 phó giáo sư, 12 tiến sĩ, 3 NCS đang học tập tại Đức, Đài Loan, Trung Quốc và 1 thạc sĩ. Rất nhiều Nhà giáo là Cựu sinh viên của khoa là giáo viên dạy giỏi tại các trường phổ thông, là các nhà quản lý giáo dục tài năng; là các nhà khoa học có học vị tiến sĩ, có chức danh giáo sư và phó giáo sư. Đặc biệt, trong những năm qua nhiều Nhà giáo được Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú.

Trong những năm qua, các nhóm nghiên cứu của khoa tập trung vào các hướng nghiên cứu , đó là (1) Nghiên cứu đa dang di truyền và bảo tồn nguồn gen động vật và thực vật; (2) Nghiên cứu sinh học phân tử, công nghệ gen và công nghệ tế bào thực vật, công nghệ phôi động vật; (3) Nghiên cứu đặc tính chống chịu và cải thiện khả năng chống chịu các stress của môi trường; (4) Nghiên cứu ô nhiễm môi trường và công nghệ xử lí ô nhiễm và bảo vệ môi trường; (5) Nghiên cứu đổi mới dạy học sinh học theo tiếp cận năng và giáo dục STEM; (6) Nghiên cứu dạy học tích hợp trong khoa học tự nhiên. Và chủ đề của Hội thảo chuyên đề quốc tế lần này bàn về một số vấn đề mang tính thời sự của khoa học thực vật mà các nhà khoa học của Khoa đang quan tâm. Ba báo cáo mời trong Hội thảo lần lượt trình bày các vấn đề về phân tích tiến hóa phân tử và phân loại học thực vật dựa trên cơ sở DNA, tiềm năng và tiến bộ; nghiên cứu chức năng của gen ở cây lúa phản ứng với các điều kiện stress của môi trường,nghiên cứu các chất chuyển hóa thứ cấp có hoạt tính sinh học ở cây cảnh.

Báo cáo của Tiến sĩ Ritesh Kumar Choudhary, nghiên cứu viên cao cấp của Viện nghiên cứu Agharkar, Pune, Ấn Độ. Tiến sĩ Ritesh Kumar Choudhary có hơn 15 năm kinh nghiệm trong nghiên cứu hệ thống thực vật. Ông đã phân loại được 13 loài thực vật mới, với 80 công bố trong các tạp chí uy tín quốc tế và là một trong số ít các nhà phân loại học phân tử tham gia nghiên cứu phát sinh loài thực vật ở Ấn Độ. Trong hội thảo lần này, với chủ đề trình bày “DNA-based Taxonomy: Potentials and Progress” tiến sĩ Ritesh Kumar Choudhary đã giới thiệu về lịch sử phân loại học và phương pháp phân loại học truyền thống.

Đặc biệt, tác giả đã trình bày rất chi tiết về phương pháp phân loại học phân tử bao gồm: các bước tách và giải trình tự gen thực vật, sử dụng các công cụ để xây dựng sơ đồ mối quan hệ phát sinh chủng loại giữa các taxon thực vật, xây dựng DNA Barcoding, giải trình tự hệ gen lục lạp và sử dụng hệ gen lục lạp trong phân tích tiến hóa phân tử và phát sinh loài ở thực vật.

Các thông tin trong báo cáo đã đưa ra những định hướng nghiên cứu mới, hiện đại trong nghiên cứu phân loại và xây dựng mối quan hệ phát sinh chủng loại ở thực vật. Kết thúc phần báo cáo, Tiến sĩ Ritesh Kumar Choudhary đã thông tin tới các hội thảo một số công trình nghiên cứu trên một số tạp chí quốc tế uy tín, có chỉ số ảnh hưởng cao; thông tin về hợp tác nghiên cứu với các nhà Khoa học của khoa Sinh học và hi vọng sự hợp tác được tiếp tục phát triển trong tương lai.

Tiếp theo, ThS. Nguyễn Vũ Bão, hiện đang là nghiên cứu sinh tại khoa Khoa học Sự sống, trường Đại học National Central (Taiwan), trình bày báo cáo với chủ đề “Functions of OsCAF1s gene in rice”. Nội dung nghiên cứu nhấn mạnh vai trò ức chế quá trình dịch mã và phá hủy RNA thông tin của phức hợp CCR4-NOT được cấu thành từ các phân tử protein khác nhau, trong đó hai loại protein là CAF1 và CCR4 đóng vai trò quan trọng.

Bên cạnh đó CAF1 và CCR4 cũng góp phần tăng cường khả năng chống chịu của lúa trong điều kiện stress lạnh từ môi trường.

Theo hướng nghiên cứu về các hợp chất thiên nhiên có hoạt tính sinh học, đặc biệt là các hợp chất saponin, Tiến sĩ Nguyễn Đức Hùng (Khoa Sinh học) đã chia sẻ kết quả nghiên cứu về “Bioactive secondary metabolites from ornamental plants” được thực hiện tại Phòng Thí nghiệm Công nghệ dược phẩm và Phòng Thí nghiệm Dược liệu học, trường Đại học Burgundy Franche - Comte, Cộng hòa Pháp, qua đó khẳng định giá trị của một số loài thực vật dùng làm cảnh như một nguồn cung cấp các hợp chất thiên nhiên sử dụng trong lĩnh vực dược học.

Tác giả báo cáo kết quả nghiên cứu về thành phần saponin có trong loài Cordyline fruticosa "Fairchild Red", đồng thời đánh giá hoạt tính gây độc mạnh của một số hợp chất saponins tách chiết được trên dòng tế bào ung thư vú ở chuột 4T1, qua đó khẳng định tiềm năng sử dụng cây trồng với mục đích làm cảnh là nguồn cung cấp các hợp chất có hoạt tính sinh học.

Kết thúc Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Ngọc Lan, Trưởng khoa Sinh học thay mặt cán bộ, giảng viên của Khoa cảm ơn sự quan tâm và tạo điều kiện của Lãnh đạo nhà trường, Phòng Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế để Hội thảo diễn ra đúng kế hoạch và thành công tốt đẹp. Đồng thời TS. Nguyễn Thị Ngọc Lan cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các báo cáo khoa học và khẳng định, Hội thảo quốc tế chuyên đề Sinh học này là tiền đề để xúc tiến các hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và đào tạo sau đại học. Những báo cáo khoa học thú vị và không khí thảo luận sôi nổi đã tạo dựng sự kết nối chia sẻ kinh nghiệm giữa các nhà khoa học có chung mối quan tâm về lĩnh vực sinh học và công nghệ Sinh học. Đặc biệt thông qua hội thảo, cán bộ giảng viên được cập nhật nhiều tri thức khoa học mới, được tăng cường năng lực tiếng Anh giao tiếp và xác định được cần phải cải thiện những gì, như thế nào để đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện giáo dục, đào tạo và thích ứng với bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.

Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, các nhà quản lý giáo dục, các giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên ngành sinh học và công nghệ sinh học. Hội thảo khoa học quốc tế chuyên đề “Biology research and teaching in the context of international integration” đã thành công tốt đẹp.

 

Truyền thông Khoa Sinh học.

 

 

 

 

loading....